Hoa Cẩm Chướng

Sunday, May 08, 2005

Hoa Cẩm Chướng


Sự ái mộ

Tên tiếng Anh : Carnation
Họ : Dianthus caryophyllus
Tên thông dụng : "Jove's Flower" - "Pinks" - "Gillies" - "Gilliflower" - "Sops-in-wine"

Thông điệp - ý nghĩa
Ý nghĩa chung : Sự ái mộ - Sự thôi miên, quyến rũ - Tình yêu của phụ nữ - Niềm tự hào - Sắc đẹp - Tình yêu trong sáng và sâu đậm, thiết tha (Admiration; Fascination; Woman's Love; Pride; Beauty; Pure and deep love).
Cẩm chướng thuần một màu : Đồng ý (Yes)
Cẩm chướng có vằn, sọc : Lời từ chối tình yêu (No, Refusal, Sorry I Can't Be With You, Wish I Could Be With You)
Cẩm chướng hồng : Anh sẽ không bao giờ quên em (I'll Never Forget You)
Cẩm chướng đỏ : Sự ái mộ (Ardor, Admiration)
Cẩm chướng đỏ thẫm : Trái tim tôi đau nhói vì em (Alas, for my poor heart. My heart aches for you)
Cẩm chướng vàng : Sự từ chối, sự khinh thường, thất vọng, hối hận (Rejection; Disappointment; Contempt; Disdain; Rue).
Cẩm chướng trắng : Ngọt ngào và đáng yêu, ngây thơ, tình yêu trong sáng, món quà may mắn cho phụ nữ (Sweet and Lovely, Innocence, Pure Love, Woman's Good Luck Gift)
Cẩm chướng tím : Tính thất thường, đồng bóng (Capriciousness)

Biểu tượng :
Bông hoa của tháng 1 : The flower of January
Biểu tượng hoa cho "Ngày của mẹ" (Mother's Day)
Biểu tượng quốc gia của người Slovene (ở Nam Tư)
Cẩm chướng đỏ (Scarlet Carnation) : Biểu tượng hoa của tiểu bang Ohio, U.S

Người ta nói rằng cái tên "Carnation" xuất phát từ tiếng Ý có nghĩa là "complexion", một số ý kiến khác lại cho rằng tên hoa từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "flesh". Nhưng cũng còn ý kiến khác nữa :"Carnation" từ "cornation" hay "corone" có nghĩa là "flower garlands" - "vòng hoa", do nó được trang trí trong những vòng hoa vào những dịp lễ ở Hy Lạp.Hoa cẩm chướng còn được gọi là "Pink" do mép cánh hoa hình răng cưa (to pink : cắt mép răng cưa; Pinking shear : cái kéo cắt răng cưa).

Tên khoa học của nó Dianthus caryophyllus có nguồn gốc Hy Lạp : "Di" - thuộc về Zeus "anthos" - hoa. Nó được nhà thực vật học Theopharatus đặt tên "Diathus" (divine flower).

Hoa cẩm chướng có nguồn gốc từ chấu Âu, chủ yếu là vùng Địa Trung Hải, nhưng cũng có một số tài liệu cho rằng nó được phát hiện đầu tiên ở vùng Viễn Đông. Bông hoa này đã được nhắc đến trong thần thoại La Mã và xuất hiện trong những ghi chép lịch sử thiên nhiên của tác giả người La Mã Pliny vào khoảng năm 50 trước Công nguyên.

Các tu sĩ La Mã thế kỷ 13 được xem như những người đầu tiên đã đem trồng những cây hoa cẩm chướng. Và bông hoa này đã rất quan trọng đối với người Hy Lạp và La Mã lúc đó, nó trở thành biểu tượng của người La Mã vào giai đoạn đỉnh cao của nền văn minh của họ. Nó cũng còn được gọi là "Jove's flower" (bông hoa của thần Jupiter), do Jove (Jupiter) là một trong những vị thần được họ tôn kính.

Thời Hy Lạp cổ đại. cẩm chướng là bông hoa được sủng ái nhất. Theo một truyền thuyết của Cơ đốc giáo, khi nhìn thấy Jesus trên thập tự giá, Mary đã khóc, và những bông hoa cẩm chướng đã mọc lên từ nơi mà những gịot nước mắt của bà đã nhỏ xuống.

Trong cuốn "Ngôn ngữ loài hoa" thời nữ hoàng Victoria (1837-1901), hoa cẩm chướng được xem như một món quà may mắn cho người phụ nữ.

Một số quan điểm hơi "mê tín" còn dùng hoa cẩm chướng để "xem bói". Ở Korea-Triều Tiên, 3 bông hoa cẩm chướng được cài trên tóc một cô gái, và số phận của cô được suy đoán từ thứ tự các bông hoa dần chết đi. Nếu bông hoa ở dưới cùng tàn héo trước, cô ấy bất hạnh suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nếu bông hoa trên cùng úa tàn trước, những năm cuối đời của cô sẽ rất khó khăn. Còn nếu bông hoa ở giữa héo trước, những năm đầu đời của cô khá vất vả, nhưng có lẽ hậu vận sẽ tốt hơn.

Hoa cẩm chướng còn là biểu tượng quốc gia của Slovenia (ở Nam Tư). Cẩm chướng được ngợi ca trong những bài hát của người Slovene. Hình ảnh hoa cẩm chướng đỏ xuất hiện nhiều trong những đồ vật trang trí, đồ thủ công, thêu, gối, chiếc nôi em bé...của họ. Đối với họ, hoa cẩm chướng tượng trưng cho "món quà của Thượng Đế" hay "tình yêu đối với một đứa trẻ". Cẩm chướng đỏ còn tượng trưng cho lòng nhân hậu và tình yêu. Hình ảnh hoa cẩm chướng cũng thường thấy trên những hộp vải lanh của cô dâu, trên quần áo, mũ ni, khăn trùm đầu.. của các cô gái. Bó hoa gồm cẩm chướng, hương thảo, phong lữ có như một thông điệp về tình yêu, lòng thủy chung, chờ đợi và niềm hy vọng mà các cô gái cài trên ngực người yêu trước khi chàng trai phải lên đường ra mặt trận.

Ở vùng quê, nhất là ở những miền núi, hoa cẩm chướng được đặt trên ngưỡng cửa sổ hay ngoài bancông. Ngôi nhà của người nông dân với những bông hoa cẩm chướng là một nét đặc trưng của xứ sở Slovene.

Một truyền thuyết Italia kể rằng, Margherita - một thiếu nữ đã tặng cho người yêu của nàng - chàng hiệp sĩ Orlando một bông cẩm chướng màu trắng mà anh đã mang nó theo mình trên suốt đường chinh chiến. Rồi anh bị thương nặng và chết, máu anh nhuộm thẫm nơi chính giữa bông hoa trắng sau đó đã được đem về cho nàng Margherita với trái tim tan vỡ. Từ những hạt giống đó, Margherita trồng nên những bông cẩm chướng xinh đẹp màu trắng và luôn có khoảng màu đỏ nơi chính giữa cánh hoa. Margherita đã chung thuỷ mãi mãi với Orlando và ở vậy đến cuối đời. Sau đó, có tục lệ tặng cho mỗi em bé gái mới sinh ra trong gia đình cô một chậu hoa cẩm chướng đặc biệt ấy.

Trong lịch sử, hoa cẩm chướng cũng đã được nhắc đến vào thế kỷ 13, khi đội quân Thập tự chinh bị tấn công bởi dịch bệnh, gần Tunis. Người ta đã trộn lá cẩm chướng với rượu và uống nó để trị những cơn sốt dữ dội.

Trong cuốn sách nghiên cứu về thảo mộc thế kỷ 16, John Gerard đã viết rằng, hoa cẩm chướng và đường, chế thành mứt được dùng để chữa những cơn sốt và giải độc.

Người ta còn dùng hoa cẩm chướng trong sản xuất hương bia, rượu vang và chế thuốc nhuộm tóc đen (?).

Hoa cẩm chướng cho "Ngày của Mẹ"


Lịch sử "Ngày của Mẹ" đã bắt đầu ở Hy Lạp cổ đại, khi lễ hội được tổ chức để tôn vinh Rhea, mẹ của các vị thần. Từ thời Trung cổ cho đến suốt kỷ nguyên Georgian vào thế kỷ 17 (thời kỳ các vua George ở Anh 1714-1830), ngày chủ nhật của mẹ (Mothering Sunday - ngày chủ nhật thứ 4 của mùa chay) là thời gian cho những thanh niên trẻ tuổi đang làm việc trở về nhà và đem cho mẹ những chiếc bánh "mothering cake". Món ăn khá phổ biến trong dịp này là "Furmety" (cháo bột mì nấu với đường, sữa, quế), những dạng chè ngũ cốc, ở Scotland, người ta còn làm "Carlings" hay bánh kếp chiên (Pancake). Sau này, "Mothering Sunday" ở Anh trở thành ngày lễ tôn giáo để tôn vinh Mother Church.

Julia Ward Howe, tác giả bài hát "Battle Hymn of the Republic", đã từng dề nghị lập ra một ngày lễ tôn vinh các bà mẹ và thúc đẩy hòa bình cho nước Mĩ năm 1872. Ý tưởng này được Anna Jarvis (1864-1948) ủng hộ và phát triển sau đó.

Anna Jarvis là một phụ nữ sống độc thân. Năm 1905, mẹ cô mất - bà Anna M. Jarvis, người phụ nữ thủy chung nhân hậu đã tận tụy với nghề giáo suốt 20 năm ở trường học Sunday. Tri ân người mẹ kính yêu của mình, Anna bắt đầu viết thư cho những chính khách, thương nhân để nhờ họ ủng hộ cho một ngày kỷ niệm trên toàn quốc gia để trẻ em tôn vinh mẹ mình. Jarvis tin mạnh mẽ rằng, một ngày như vậy sẽ thắt chặt hơn mối dây liên kết trong gia đình và cho người mẹ sự trân trọng kính yêu xứng đáng.

Chiến dịch viết thư của cô cũng là sự tiếp tục những nỗ lực của mẹ mình để lập ngày hữu nghị các bà mẹ "Mothers Friendship Day" sau cuộc nội chiến như một cách thức đưa mọi người đến gần nhau hơn và tiến tới sự hòa giải.

Và rồi, "Ngày của Mẹ" đầu tiên được tổ chức vào ngày 10 tháng 5 năm 1908. Hôm đó, Anna đã gởi tặng 500 bông hoa cẩm chướng màu trắng, bông hoa mà mẹ cô yêu thích cho nhà thờ Andrews ở Grafton, West Virginia. Năm sau đó, Anna Jarvis gởi tặng cho nhà thờ 700 bông hoa cẩm chướng trắng. Qua nhiều năm, cô đã gởi hơn 10 000 bông hoa như một món quà cá nhân cho nhà thờ Andrews.

Năm 1910, West Virginia chính thức công nhận "Mother's Day" là một ngày lễ của tiểu bang, và các tiểu bang khác cũng nhanh chóng làm theo sau đó.

Năm 1914. tổng thống Woodrow Wilson tuyên bố ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 được xem là "Ngày của Mẹ" trên toàn nước Mĩ.

Bông hoa cẩm chướng đỏ trân trọng dành cho người mẹ còn sống và bông hoa cẩm chướng trắng tri ân người mẹ đã khuất . Bông hoa cẩm chướng được ưu ái bởi nó tượng trưng cho những đức tính cao quý của người mẹ, người phụ nữ, sự thuỷ chung, lòng nhân hậu, sự thanh cao, sâu sắc và bền bỉ của tình mẹ. Và giờ đây, "Ngày của Mẹ" đã trở thành một ngày lễ được tổ chức trên khắp thế giới.

Scarlet Carnation - The State Flower of Ohio, U.S


"England has the rose, France has the lily; Ireland, the shamrock; Scotland, the thistle. These flowers awaken in the hearts of the natives of these countries memories of home, fireside, childhood days, sweet sorrows, family ties, and incidents of the land of their nativity. To these ends we seek to adopt the scarlet carnation as Ohio's floral emblem."

lijah W. Hill - Legislator at the Ohio House of Representatives

Câu chuyện bắt đầu từ Dr. Levi L. Lamborn, một bác sĩ, chính khách và còn là một nghệ nhân vườn cảnh nghiệp dư ở thành phố Alliance, Ohio, Hoa Kỳ. Ông là người đã nhân giống những cây cẩm chướng con được nhập từ Pháp năm 1866 và đặt tên cho bông hoa mới này là "Lamborn Red".

Một ngày nọ, khi một trong 6 cây con ông đem từ Pháp về trổ bông, ông đã rất vui, tự hào và chỉ cho William Mc Kinley - một người bạn thân thuộc phái chính trị đối lập -xem rồi nói : "Mac, tôi muốn anh nhìn thấy bông hoa cẩm chướng đầu tiên đã nở ở nước Mĩ" ("Mac, I want you to see the first carnation to bloom in America". Xúc động trước lời ngợi khen bông hoa đỏ, Lamborn đã ngắt cành hoa và tặng nó cho Mc Kinley. Mc Kinley trở thành người yêu bông hoa cẩm chướng đỏ xinh đẹp này từ đó.

Mc Kinley nâng niu Scarlet Carnation như một "bông hoa may mắn" và thường cài nó trên ve áo. Ngày 3 tháng 11 năm 1896, William Mc Kinley trở thành vị tổng thống thứ 25 của Hoa Kỳ. Trên bàn làm việc của ông ở Nhà Trắng luôn hiện diện một bó hoa cẩm chướng đỏ. Mc kinley có thói quen tặng mỗi người khách đến thăm một bông hoa mà ông đang đeo trên áo, rồi sau đó lấy một bông hoa tươi từ trong bó hoa ấy thay vào. Dường như bông hoa cẩm chướng đỏ này đã đem lại cho ông nhiều may mắn, mãi cho đến một ngày nọ...

Đó là ngày 14 tháng 9 năm 1901, tại cuộc triển lãm "the Pan America Expostion" ở Buffalo, New York, ông bắt tay cô bé nhỏ đã rụt rè hỏi xin ông một ân huệ : "Cháu có thể có cái gì đó để chỉ cho bạn cháu không ? Các bạn ấy sẽ chẳng bao giờ tin rằng cháu đã thực sự được gặp và nói chuyện với ông". Mc Kinley rút bông cẩm chướng đỏ - vị thần may mắn- cài trên ve áo mình tặng cho người hâm mộ nhỏ mới 12 tuổi - bé gái Myrtle Ledger. Không ai ngờ đó chính là bông cẩm chướng đỏ cuối cùng của


Mc Kinley, vì chỉ vài giây sau, ông đã bị bắn chết bởi viên đạn của một kẻ ám sát - người thứ hai trong hàng sau cô bé ấy.

Tưởng nhớ ông, ngày 3 tháng 2 năm 1904, đại hội đồng Ohio thông qua nghị quyết chung, chính thức công nhận Scarlet Carnation là biểu tượng hoa của tiểu bang.

Ngày 8 tháng 4 năm 1959, cơ quan lập pháp Ohio đặt tên cho Alliance là thành phố "Hoa Cẩm Chướng" (The Carnation City) để thực sự xem nó như quê hương của bông hoa của tiểu bang. Hằng năm, ở Alliance - Carnation City đều tổ chức lễ hội "Hoa Cẩm Chướng" - Carnation Festival, thường kéo dài trong một tuần. Người ta diễu hành, ăn uống và vui đùa trên khắp thành phố. Năm nay, lễ hội Carnation Festival sẽ được tổ chức ở Alliance, Ohio từ ngày 8 - 17 tháng 8 (2003).